Sunday 24 October 2010

PHAM THAI

PHẠM THÁI (CHIÊU LỲ)
NÓI CHUYỆN TRÊN TRỜI DƯỚI ĐẤT NGHE
(thơ Chiêu Lỳ)

Người ta thường nói những kẻ ăn không ngồi rồi suốt ngày cứ ngắm trời, nghía đất, ăn nói vu vơ toàn những chuyện trên trời dưới đất, tất nhiên là khó có ai tin, hoặc cho là tiếu lâm bịa đặt mhảm nhí. Chuyện trên trời dưới đất của kẻ giang hồ đãng tử và chuyện trên trời dưới đất của kẻ có tầm vóc lịch sử khác nhau xa, và các khác hơn nữa là chuyện trên trời dưới đất của một thi nhân khác thường.
Người ăn nói lừng lẫy nhất của văn học đời Lê - Tây Sơn là đại gia thi sĩ Phạm Thái – Chiêu Lỳ. Ông có tên là Phạm Đan Phượng (1757-1793). Triều Lê suy tàn, ông quảy trường kiếm chống nhau với Tây Sơn, sau thất bại, ông quy ẩn đi tu, hiệu là Phổ Chiêu thiền sư, thọ được 35 tuổi. Ông mất để lại tập Phổ Chiêu thiền sư thi văn tập.
Tôi còn nhớ tác phẩm Sơ Kính Tân Trang. Điều mà tôi thích nhất về Phạm Thái là truyện Phạm Thái Trương Quỳnh Như –Vịnh Tây Hồ Phú và những vần thơ trên trời dưới đất của ông, trong lịch sử văn học cổ, chưa có người thứ hai.
Trước khi tôi làm thơ mới và thơ “tự do buông thả”, tôi thường học làm thơ với tập Đường thi của cụ Trần Trọng Kim, tủ sách ở quê đầy đủ các tác phẩm hay của ông Phan văn Vàng, người cậu Năm đã nuôi lớn chi tính tình và tâm hồn thơ của tôi từ lúc mươi, mười hai tuổi cho đến thành danh. Tôi thường lén, lúc cậu đi làm ở Tòa hòa giải Sa đéc, rút tập thơ Đường thi và lần dò làm thơ Đường luật. Từ tập đó, tôi có nguồn cảm hứng vô tận về thơ mãi đến sau này. Có lẽ người tôi thích nhất là thơ Phạm Thái và mối tình nghiệt ngã của trang mã thượng anh hùng Phạm Thái với tuyệt thế giai nhân Trương Quỳnh Như. Từ đó mà những vần thơ trữ tình của Phạm Thái ra đời. Có hai câu tuyệt diệu nhất trong thơ Việt xưa nay mà người đời ai cũng quý trọng như châu ngọc:
Có lẽ nét mặt lệ kiều tiên nữ, đôi mắt như giếng ngọc lưu ly của nàng Trương Quỳnh Như khiến đảo điên khách anh hùng mỗi khi nàng thoáng đưa tình với người tuấn sĩ tao nhã đó.
Thế rồi Phạm Thái bỏ tất cả công danh sự nghiệp để buông trôi cả tâm hồn khí phách của mình vào sóng mắt giai nhân, chỉ với hai câu thơ;
Công hầu khanh tướng trong thiên hạ
Rót lại chưa đầy mắt mỹ nhân.
Viết như thế Phạm Thái đã như Đinh Hùng trong Mê Hồn Ca
Ta đặt em lên ngai thờ nữ sắc
Trong vô cùng chiêm ngưỡng một làn da
Đinh Hùng đưa người yêu lên ngôi vàng của bà chúa sắc đẹp chỉ để chiêm ngưỡng sóng sắc và hương vị xác thể giai nhân, còn Phạm Thái thì đem chôn, đem dìm đắm cả nhân tài lịch sử - “Công hầu khanh tướng” trong thiên hạ vào khóe mắt thần bí của Người yêu, người có thể so sánh với một Cleopâtre hay một Bao Tự thời Đông Châu Liệt quốc.
Đến đây ta bỗng nhớ đến bao nhiêu vần thơ và nét vẽ kỳ tài nói về người đẹp xưa nay. Nét kỳ ảo thần tiên thì có trong Đường thi:
Hoa lưu động chủ ưng trường tại
Thủy đáo nhân gian định bất hồi
Xa xôi bóng bảy nhớ nhung có
Hạc vàng ai cỡi đi đâu
Mà nay hoàng hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay
Trong Thanh bình điệu, Lý Thái Bạch ráng hết gân cũng chỉ viết được cho Dương Quý Phi như sau;
Vân tường y thường hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng
Vẻ đẹp đài các cao sang nhưng hé lộ quá vì một nàng Dương Quý Phi nhà Đường, đến Nguyễn Du viết về Kiều
Làn thu thủy nét xuân sơn
Mây thua nước tóc liễu hờn kém xanh
Nguyễn Gia Thiều thì kể trong Cung Oán Ngâm Khúc
Mày ngài lẫn mặt rồng lồ lộ
Sắp song song đôi lứa nhân duyên
hay
Áng đào kiểm đâm bông não chúng
Khoé thu ba dợn sóng khuynh thành
Vẻ đẹp giai nhân đó đến Huy Cận siêu hóa thêm:
Từ thuở tiên đi sầu cũng nhỏ
Nhân gian ai chép nhạc Nghê thường
Với Luu Trọng lư thì trở thành một tinh thể, một nguồn mộng bất tử của cổ kim nhân loại:
Em chỉ là người em gái thôi
Người em sầu mộng của muôn đời
Tình em như tuyết giăng đầu núi
Dằng dặc muôn thu nét tuyệt vời
Nói về người đẹp thường là vẻ đẹp thần kỳ mênh mông lộng lẫy biểu tượng cho vẻ đẹp của tạo hóa hay chân lý của thi ca tư tưởng.
Khi thơ và nhạc và họa lại lên lời, ta nghe Hoàng Trúc Ly ca ngợi vẻ siêu phàm của một nàng ca sĩ đời nay. Vẻ đẹp hòa cùng tiếng hát đã ngân lên như ngân giữa Ngân hà:
Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc tay mời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống hồn anh
Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau.
Sau đệ nhị thế chiến, sau tiếng gầm của Nieztsche. Le desert crois sa mạc lan dần. Thế giới càng thêm muôn trùng thảm họa. Con người nhất là giai nhân tượng trưng cho vẻ đẹp nghìn đời phải trải qua bao nỗi khổ hình tai họa của lịch sử, trong sự vô cảm của cuộc đời :
Em đi chân bước lạc đà
Suốt mùa ải hạn giữa sa mạc người
Phượng hoàng xuống đậu hai vai
Ngậm hoa quỳ nhớ thiên thai không về
Sau khi thất bại vì cuộc tình sầu, Phạm Thái đã viết Tụng Tây Hồ phú. Người yêu đã mất, thất bại vì công cuộc phù Lê tan rã, ông đành biến thành một thiến sư bất đắc dĩ, làm những vần thơ đảo điên thế sự, những vần thơ có tính chất trào phúng cợt mình cợt đời.
Tôi con ông Cống cháu ông Nghè
Nói chuyện trên trời dưới đất nghe
Độ nọ vào chơi trong tướng phủ
Ba ngàn công chúa thảy đều mê !
Ông nói thánh nói tướng, nói chuyện trên trời dưới đất đã rồi lại làm một nhân chứng của lịch sử phế hưng « xem vẫn rộn » như Bà Huyện Thanh Quan nhưng khinh bạc và tài hoa hơn nhiều. Nói như danh từ thời đại ngày nay, ông sống dấn thân hết minh trong sự buông thả của một nhân vật hiện sinh của thời Lê Nguyễn qua bài thơ sau đây.
Có ai muốn biết tuổi tên gì
Vừa chẳng ba mươi gọi chú lỳ
Năm bảy bài thơ gầy gối hạc
Một vài đứa trẻ béo răng nghê
Tranh vờn sơn thủy màu nhem nhuốc
Bầu dốc kiền khôn giọng bét be
Miễn được ngày nào cho sướng kiếp
Sống thì nuôi lấy chết chôn đi
Tranh vờn sơn thủy đây có thể là tranh thủy mặc nhưng vẽ để vờn với màu sắc của hội họa hay để bôi xóa lung tung không còn là bức tranh sơn thủy hữu tình của tự nhiên, chỉ là bức tranh với màu sắc nhem nhuốc của tâm hồn hay của chính trạng thái cuộc đời, màu sắc lợi danh của đám công hầu khanh tướng thời Lê mạt Trịnh Nguyễn phân tranh làm băng hoại cả tinh anh của sắc màu nghệ thuật, cho nên giọng khinh bạc đó mới thốt ra.
Công hầu khanh tướng trong thiên hạ
Rót lại chưa đầy mắt mỹ nhân
Đó là tiếng thơ của mặc khách tao nhân, của một thi tài trữ tình đệ nhất trong làng thơ Việt có một nhãn quan về vũ trụ vô cùng, một thế giới tang thương, một xã hội bế tắc và một cuộc đời chỉ còn có nước ẩn tu như nhà đại ẩn Nguyễn Bình Khiêm. Trái lại, đem gieo cả linh hồn vào sóng mắt giai nhân và cuộc tình trần thế thì người yêu bỗng hóa thành tượng thần vệ nữ tượng trưng cho vẻ đẹp ngàn năm và biểu tượng được thành tựu, bất tử tính của thời đại mình.
Vì thế, nàng Trương Quỳnh Như đã bất tử qua linh hồn thi ca siêu hình, siêu thực thời Trung cổ, thời đại của dòng thơ Đại Việt, của Phạm Thái.
Ông còn một bài thơ tự thuật nữa, bài thơ sánh ngang với tất cả thi hào cổ kim nhân loại vì nó vượt lên trên cả cái tầm lớn lao của lịch sử của mọi thời đại.
Ta hãy đọc và ít nhiều liên tưởng đến định mệnh giống nòi, định mệnh lịch sử của dân tộc Việt qua bao nỗi thăng trầm đầy bi tráng của lịch sử, nhất là lịch sử VN hiện đại đầy biến đổi đen tối gần như thứ lịch sử ảo vậy.
Dăm bẩy năm nay những loạn ly,
Cũng thì duyên phận, cũng thì “thì"
Ba mươi tuổi lẻ là bao nả,
Năm sáu đời vua thấy chóng ghê!
Một tập thơ dầy ngâm sảng sảng,
Vài nai rưọu kếch ních tì tì.
Chết về tiên bụt cho xong kiếp,
Đù ỏa trần gian sống mãi chi!
Bài này tôi chép theo bài thơ của Bùi Giáng đọc khi đi uống rượu với ông ở Ngã Bảy. Còn bài khác cụ Trần Trọng Kim ghi trong quyển Việt Thi thì quá hiền lành không đúng với khẩu khí của Phạm Thái Chiêu Lỳ.

Trần Tuấn Kiệt

No comments:

Post a Comment