MÙA XUÂN PHIẾM LUẬN VỀ CÁC VỊ THẦN LINH


MÙA XUÂN PHIẾM LUẬN VỀ CÁC VỊ THẦN LINH




Đã nói đến Thần thì phải có oai linh. Thần mà không có oai linh thì chẳng có ai thờ cúng tế tự cả. Nhưng nếu chúng ta truy nguyên nguồn gốc tinh thần Việt tộc thì chúng ta thấy Việt tộc thời sơ khai có các câu truyện Thần Kỳ qua truyện cổ tích, truyền khẩu thần thoại, huyền thoại mà theo các nhà lý luận duy lý và nhân bản mới cho đó là truyện quái, Thần quái, như Lĩnh nam chích quái từ xưa kể lại.

Các vị Thần quái này không có trong chính sử cả truyện Hùng Vương cũng vậy, trước khi Quốc Tổ được đưa vào sử, đó là cội nguồn linh thiêng từ dân gian từ các truyên thuyết xa xăm và mơ hồ kể lại mường tượng như vua Lê Thánh Tông nằm mơ thấy lại nguồn cội chữ Việt cổ hiện ra và tiếc rằng khi nhà Vua thức dậy đã không dùng uy quyền và văn hóa (trí thức) của mình để tạo ra chữ Việt mặc dầu ông có trong tay rất nhiều văn gia thi sĩ để lập Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú và chịu ảnh hưởng hoàn toàn của Nho giáo, nhất là ông vua văn nghệ có đủ tài lực và các nguyên khí quốc gia, là hiền tài của buổi Lê thịnh nhất.

Rồi cũng mượn giấc mơ mà mơ về chữ Việt cổ (có lẽ chữ Khoa Đẩu?) thay vì ông đề xướng lên tạo ra chữ chính thống của dân tộc ít ra cũng được như ông cua Hàn quốc thời Trung cổ.

Nói đến đây hơi xa chuyện Thần thoại một chút nhưng để gợi ý cho các nhà tự xong là ngôn ngữ học nên có đầu óc sáng tạo một chút để tạo ra chữ Việt chính thống chứ không mãi xài chữ Hán Việt, chữ Nôm hay chữ Quốc Ngữ của cụ Tây A. De Rhodes như quốc ngữ theo mẫu tự Latinh ngày nay. Tạo ra chữ Ta thì nước ta mới có thể xưng là có văn hiến đúng nghĩa tư tưởng ta, chữ viết ta, đồng tiền Việt thì mới nói được ta có chính thống về chữ viết, dù trễ cũng không muộn đâu. Cũng như nói đến chính thống giáo là Thần Đạo của người Việt qua các câu chuyện Quái về Thần linh từ dân gian.

Có lẽ chúng ta sống quen với thế giới văn minh duy lý và nhân bản thuyết từ lâu nên khi bàn về Thần, chúng ta không như các cụ Đồ Nho đệ tử Khổng Mạnh đề cao Nhơn Thần để tiện việc tôn quân của Tàu Việt từ xưa.

Vậy Nhơn Thần bắt nguồn từ đâu? Nhơn Thần từ nhiên Thần mà ra như thần Tản Viên hay thần Gò Đống thành thần Phù Đổng, thần Sông thành thần Trương Hồng Trương Hác đời Lý Trần. Xa hơn nữa truyền thuyết Lạc Long Quân, ông vua biển lấy bà Âu Cơ là giống tiên trên núi sinh ra vua Hùng Vương… Con cháu thần Nông bên Tàu.

Theo Nho giáo đưa nhiên Thần, sông rạch ao hồ núi non biến thành các vị thần nhơn thần để tạc tượng thờ như tục thờ đá của dân Việt cổ hay Trống Đồng Đông Sơn thành thần Đồng cổ, thần chiến thắng của thời đại Hùng Vương. Đến thời Thục Phán thắng thế thì thờ thần Kim Quy giúp vua diệt yêu quái để xây thành Cổ Loa. Ông Cao Lỗ xuất hiện qua truyện Quái của dân thờ đá trở thành thần Cao Lỗ (nhơn thần) chế nỏ thần từ móng thần Kim Quy để chống giặc Tần là Triệu Đà từ truyện Quái, truyền kỳ trong dân biến thành các ông thần (nhơn thần) để thờ trong đình chùa miếu mạo đó là cội nguồn văn hóa Việt tự ngàn xưa trước Tần Hán. Sau này ta bị Bắc thuộc, văn hóa Tàu theo Nho giáo có ảnh hưởng lớn trong việc thờ tế tự người có gốc có danh (tự) có ích lợi cho giòng tộc triều đình được nâng lên làm phúc thần thờ ở đình làng. Các địa thế sông ngoài từ truyện quái như cửa Thần Phù từ nhiên thần (thiên nhiên mà ra) các hiện tượng của thiên nhiên sự vật đượm màu linh thiêng huyền bí như chuyện ma quỷ, truyện gà trắng hóa tinh, hay hồ ly, thần Sơn Tinh và Thủy Tinh, thần các cây đàn (như đàn tranh của Chu Mạnh Trinh) đều có thờ trong các đình chung với vị thành hoàng có công với vua với nước với triều đại đều được tôn vinh.

Tuy nhiên từ nhơn thần, thành hoàng ở đình làng xã, có vị cũng biến thành thiên thần được phong thánh như bà Triệu Au là Thần ôn dịch theo sự sợ sệt uy linh của quân Tàu, như Trần Hưng Đạo Vương được phong là Đức Thánh Trần hay đạo Tứ Bất Tử bốn vị thần linh được dân tôn thờ ở ngoài bắc. Còn có tục thờ Mẫu thiêng liêng bắt đầu từ Âu Cơ, Liễu Hạnh cho đến Mẫu Thoải (Bà Thủy) Mẫu Thượng Ngàn hay tục thờ bà Đá, bà Đen, bà Đội om, bà Nữ Oa (Tàu), bà La Sát… Từ nhiên thần tôn làm nhơn thần hay nâng lên làm thiên thần. Cũng có các vị thần ở trên cõi trời xuống cho thuốc cứu bệnh dịch của dân.

Bấy giờ ta thấy rằng trời là đấng Tạo Hóa của người Việt cổ, sự tôn thờ kính mến và cả sợ sệt trước quyền uy tuyệt đối đã nâng giá trị nhân văn thiên hóa từ siêu nhiên thành thần tượng trời cao vòi vọi. Trời có mắt nhìn suốt thế gian, lưới Trời thưa mà không lọt. Tất cả đời sống thế gian đều do Trời quyết định cả. Từ đó giá trị con người, nhất là hạng mạt hạng cùng đinh khốn khổ trong đám tiện dân thì chẳng ra gì hết như

Cái quay búng sẵn trên Trời

Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm



Quyền Tạo hóa Trời tranh mất cả

Chút tiện nghi chẳng trả phần ai!

Và sự thống khổ điêu linh cùng đường của bá tánh của kiếp người đến lúc cùng lúc khổ cùng đường bế tắc thì nỗi thống hận cay đắng chẳng khác gì. Chết đuối người trên cạn mà chơi (Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều).

Trong hệ thống Thần linh của Thần Đạo ông Trời là tuyệt đối, không có ông nào hơn được ông Trời. Chỉ có con cóc mà thôi. Cho nên Chúa Sơn Lâm nghe tiếng cóc nghiến răng cũng sợ hãi cong đuôi chạy quên cả uy quyền chúa tể của mình trong truyện cổ dân gian.

Tại sao cóc nghiến răng mà được thiên hạ trần gian tôn vinh làm đến chức Cậu Ông Trời. Có lẽ các bạn giải ra cho bà con nghe chơi để làm quà cho mấy ngày xuân no ấm vinh hoa phú quý của mình. Cóc nghiến răng thì có Trời mưa ông Trời làm mưa theo lệnh của cóc nên dân nông nghiệp lúa nước ngày đêm mong mưa như mong ân huệ của Trời ban. Vì thế họ đã tôn vinh con cóc, có tạc hình cóc trên mặt trống đồng linh thiêng thờ ở đền Đồng Cổ, Thần Đồng Cổ (núi Đồng Cổ) được vua phong là Đồng Cổ Đại Vương.

Vị thần mà người Việt xưa nay quí trọng và tôn thờ, Thần Chiến Thắng của dân tộc cho nên có mấy câu thơ rằng

Quân Mông Cổ sợ tiếng Trống Đồng

Con sư tử sợ đạn nổ

Kẻ độc tài sợ tự do

(Thơ TTK)

Nói về đẳng cấp trước hết người ta quan niệm về Trời là đấng Tạo Hóa sinh thành ra vũ trụ vạn vật thì Trời Ta và Trời Tàu khá giống nhau. Tàu còn gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế ở ngôi Trời cao nhất, huyền vi nhất; còn Trời Việt thì gần gũi như ông và cháu, ông Trời! như cha mẹ, Cha Trời Mẹ Đất. Trời rất nhân bản, hiện hữu cũng như cha mẹ con người, luôn luôn hiện diện ở thế gian để phán xét hành vi đức độ của con người. Cho nên rời là vị Tối cao đại linh thần chủ vậy. các đấng chí tôn ở các Tôn giáo đều có quan niệm như thế cả. Từ cổ chí kim của nhân loại suy tưởng, tin tưởng và đặt ra Ngài.

Còn ông Phật, ông thánh Khổng Tử, ông tiên Lão Tử hay ông Trang Tử huyền diệu kia thì do người sinh ra, nghĩa là có cha sinh mẹ đẻ, có lýlịch ở Ấn Độ, Trung quốc. Hồi giáo có đấng tiên tri Mohamed, còn Trời theo Hồi giáo là đấng Ala. Trời của Thần đạo Nhật là Thiên Chiếu đại thần. Khi Phật sinh ra đã chống lại đạo Bà La Môn nghĩa là chống lại đấng tối cao của Ấn giáo. Đôi khi tư tưởng tôn giáo Phật bắt các vị thần của Ấn giáo đặt dười đấng Thích Ca.

Người đọc sách nên phân biệt sách nào của đạo Phật, sách nào của Tiên, của Thần đạo. Sách nào cũng đều cho đạo của mình cao hơn, vi diệu và đẳng cấp tất nhiên là số một. Không có ông thần nào hơn ông Thần của mình bao trùm quyền phép lên tất cả.

Như sách viết mang tinh thần đạo Phật là quyển Tây Du Ký tuyệt cú mèo đó. Thì không có ông thần nào của Ngọc Hoàng Thượng Đế trị nổi Tề Thiên là con khỉ trời sinh ra lộng hành muốn dành cả cái Ngai Trời. Rốt lại phải nhờ phép Phật từ bi bắt đè dưới năm ngón tay của Phật tổ Như Lai cho cải tạo năm trăm năm mới có Tam Tạng là đệ tử Phật đến gỡ bùa bắt làm công quả lao dịch trên đường đi thỉnh kinh đến Tây phương Thiên Trúc là đất Phật. Khi được thành chính quả thì phong chức Đấu Chiến Thắng Phật. Trong truyện Tây Du Ký thì Phật cao tài hơn các ông thần của nhà Trời. Quyển Đông Du Bát Tiên thì viết về tài phép của phái Tiên miêu tả các ông bà Tiên dung mạo đẹp đẽ, hạnh phúc thanh cao, đức độ nhất thế gian

Chính thống giáo của VN là Thần đạo hay Thiên nhân Thần đạo vì trước khi quân Tần Hán vào đất Việt, ta đã có đền thờ thần Phù Đổng Thiên Vương, đền Thần Kim Quy, thần Đồng Cổ và khắp làng xã VN nơi nào cũng có đình miếu thờ người có công hay cả con vật hữu ích cũng được thờ như Nam Hải tướng quân là đền thờ cá Ông vậy. Quan điểm thần minh-linh thần còn có liên kết với đạo Lão là đạo Tiên – Thần Tiên hang động từ ngàn xưa cũng từ đất Bách Việt mà sinh ra Khuất Nguyên ông thần Thơ vậy, ông Lão Tử đạo Lão (việc hệ thống này đã do Trần Tuấn Kiệt soạn lại sách dày trên mười lăm ngàn trang chưa có phương tiện xuất bản) Về sau đồng hóa, Việt hóa luôn các tôn giáo khác người Việt mới sống với Nho giáo và Tam giáo đồng nguyên. Thật ra đã là tứ giáo đồng nguyên Phật giáo, Khổng, Lão và Thần giáo từ vạn đại rồi vậy



Trần Tuấn Kiệt