LỤC BÁT QUỐC THI VIỆT NAM

LỤC BÁT QUỐC THI VIỆT NAM


(mang thông điệp Hòa Bình thế giới)



Nhân loại trên thế giới này, mỗi dân tộc đều có thơ riêng của họ. Đó là ngọn nguồn phát nguyên, lưu trữ, và truyền tin một thứ tin lành mầu nhiệm của hữu thể. Từ ngày có Khúc ly tao của Khuất Nguyên, của giòng Bách Việt thơ mang sắc thái Đông Phương tự do và huyền ảo.

Cách đây trên ngàn năm, thơ của giới trí thức lãnh đạo, của pháp sư làm sứ điệp của lịch sử, thơ đó thuộc vào giòng thơ Quí Tộc có màu sắc chính trị, sở trường về ngoại giao giữa Tàu và Việt như nhà thơ Khuông Việt. Càng tuôn dội về Nam, giòng Cửu long giang càng mênh mông vô tận, càng mở rộng từ ngọn nguồn để tuôn ra biển, thơ càng phong phú cao như núi, như mây, trầm như ghềnh như vực thẳm và miên man tình mộng thì tinh thần qui về một hình thái vừa có nhạc điệu, vần điệu biểu hiện tinh thần, tinh thể của nền văn hóa Việt tự nhiên mà cả dân tộc đều ca ngâm lên điệu lục bát, đặc biệt thơ lục bát không phải do một người sáng tạo nên mà cả một dân tộc, đều ca ngâm lục bát, đó là điều mà có lẽ khó có một dòng thơ nào trên thế giới kỳ ảo như thế. Thơ lục bát Quí tộc vừa cũng là đại chúng bởi vì toàn thể dân tộc đều không cần phải học niêm học luật gì cả, hễ nói lên là nói thơ lục bát được rồi. Sách vở về thơ Việt sau khi có thơ lục bát phát ra từ tâm hồn Việt sâu rộng rồi. Các nhà giáo, nhà thơ Việt chuyên môn mới đặt ra luật cho nó, xin nhắc lại, nó phát nguyên từ tinh thần Việt thành thi ca lục bát trước khi người ta - do nó xuất hiện rồi - mới viết theo nó mà thành luật trong thời đại Hán Nôm về sau nhưng chẳng cần luật người ta cũng nói được thơ lục bát, cũng làm được thơ lục bát từ câu 6 câu 8. Hai câu cũng thành thơ, ba câu, bốn câu hàng ngàn vạn câu cũng thành thơ cho nên kể truyện, viết truyện người Việt đều viết và kể và nói đều bằng thơ lục bát. Vần điệu đi sâu vào lòng người, diễn giảng, dịch giải cũng đều bằng thơ lục bát. Có người nói loại lục bát có vẻ yếu hơn, khí thơ không mạnh hơn các loại thơ 8 chữ, 2 chữ, 10 chữ, 12 chữ. Đó là nói về hình thức khi xướng đọc lên nhưng trên tinh thần sáng tạo của lục bát khí thơ đi cực mạnh. Ta lấy câu trong Kiều của Nguyễn Du: “Một xe trong cõi hồng trần như bay” hay huyền ảo và trường cửu vô cùng như “Bóng hoa đầy đất vẻ ngân ngang trời”. Nó cô đọng, tuyệt kỹ, tinh vi lạ thường chứa ẩn trí tuệ khôn lường của tinh thần dân tộc, từ thơ của các đại gia thi bá và tuôn trào tự do lan tỏa vô cùng trong những tiếng thơ lục bát dân giả về mặt đại chúng của nó.

Chiều sâu và nghệ thuật đầu tiên nó như tranh thủy mạc, bằng ngôn từ thi ngữ Việt càng phóng khoáng, càng cao rộng thì thơ càng hay. Thơ Việt đại diện cho giòng hiền triết, minh triết của đạo gia Việt. Đạo gia thi sĩ là các bậc Thần thi ở một thế giới thơ huyền vi, ảo diệu ở trên - bề trên - thượng giới của linh hồn.

Thơ từ trần giới đẩy tinh thần lên vô cùng như:

Từ em tiếng hát lên trời

Tay xao giòng tóc tay mời âm thanh

Sợi buồn chẻ xuống hồn anh

Lắng nghe da thịt tan thành xưa sau

Hoàng Trúc Ly

Trữ tình đến độ như Lưu Trọng Lư

Vầng trăng từ độ lên ngôi

Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ

Cảm hứng đến đâu thơ gieo đến đó. Thơ làm nguồn mạch tuôn chảy khôn cùng. Thi là đạo, đạo là thi, một thứ thi đạo kỳ bí vô song của thi ngữ Việt, của tâm tình Việt.

Có nhiều người muốn làm thơ lục bát mới, muốn tân trang thơ lục bát cho nó có một tinh thần sang hơn, lạ hơn cái mộc mạc, bình dị vốn là “cái tính” của thơ. Điều đó tốt, muốn xáo trộn hay gì gì cũng được cả. Nhưng làm sao cho thơ có thần, thơ hay mới là điều thành công của thi sĩ. Nó là một thứ thần đạo của đạo lý Việt từ ngàn xưa đến nay, điều đáng lưu ý là tránh cái cầu kỳ, cái khuôn sáo mới, cũ thì tinh thể mới phát lộ ra được, thì cô chủ của Vườn Hoa Hạnh của Trời - mới chịu để chân tới.

Em còn hái trái bên cây

Vết son mùa để dấu hài đầu tiên

Trong cõi lặng câm, khô hạn của lương tri con người

Em đi chân bước lạc đà

Suốt miền ải hạn giữa sa mạc người

Phương hoàng xuống đậu hai vai

Ngậm hoa quỳ nhớ thiên thai không về

Lạc thiên nhiên đến độ như:

Nửa đời bỏ hạc thâu canh

Nửa linh hồn bỏ nước xanh lên bờ

(B.Giáng)

Lãng mạn trữ tình qua:

Em đi hồn nhớ thương nhiều

Ngọn song thưa lấp bóng chiều cuối sân

(V.Linh)

Hiền như Hoài Khanh:

Ta về đây chấp hai tay

Lặng nghe mùa để gió mây qua đèo

Trải qua tang thương của đồi tranh; hoang tàn điêu linh như:

Hãi hùng gió bão Tây phương

Đầm đìa mạch đất máu xương trở hồng

Quả tròn trái rụng vườn không

Người đi qua ngõ tay bồng tay mang

(TTK)

Thơ lục bát câu đầu 6 chữ - câu Em - câu kế 8 chữ coi như câu Anh. Lục bát như hai anh em lúc nào cũng đi song song với nhau, tiếp sức với nhau, liên kết với nhau hay bạn bè thân thiết, đồng tâm đồng lực với nhau. Thật khó có loại thơ nào gắn bó đến thế.

Nó cũng có thể là vợ là chồng sánh đôi với nhau thật khắn khít, thật say sưa mặn nồng nối tiếp một giòng như gió đẩy mây trôi, như thuyền xuôi nước chảy mênh mang vô cùng. Tản Đà ghi nhận “ngàn năm giao ước kết đôi - non non nước nước khôn nguôi lời thề”. Tại cố quận, thơ lục bát lan tỏa khắp mọi miền, mọi nơi lầu các miếu đền xưa cho đến các hội thơ mới, đã là điều tự nhiên như nhiên.

Nhưng từ hải ngoại, có những người đi xa xứ hằng nửa đời người vẫn làm thơ lục bát. Có rất nhiều thơ lục bát của những thi nhân đã xa rời tổ quốc đã lâu, khắc khoải về kiếp nhân sinh phù thế - qua thơ Quang Tuấn:

Ta từ vạn vật chí linh

Sao lòng nghe mãi buồn tênh kiếp người

Thơ Võ Ý với bài Hình như là những vần lục bát thật đẹp - thật mới lạ thật nặng lòng với quê hương;

Hình như em muốn thay lời

Chữ tâm chữ tóc rối bời chữ tơ

Hình như tôi cũng bá vơ

Đi trong giá tuyết vẫn ngờ nắng quê

Trần Thiện Hiệp với giòng lục bát phá cách điệu

Em buồn

Vô cớ mênh mông

Đẹp tranh thủy mạc, đẹp giòng Đường Thi

Có hai câu thơ thật hay - như tự chế riễu cái dị thuyết hoài nghi của các ngài triết gia

Đêm vây tôi giữa trùng trùng

Tôi vây tôi giữa vô cùng hoài nghi

Khung Lang với những giòng lục bát gợi cho lòng người những tháng ngày cải tạo, lao lý cùng cực

Phận tù trời đất cũng xa

Tương lai, dĩ vãng như pha khói mù

Bước đời tới đỉnh hoang vu

Rừng sâu núi dựng, lũng tù bủa vây

Cao Mỵ Nhân, có những vần lục bát thật huyền diệu vô cùng:

Ta vừa thắp nến soi thơ

Đêm nay trăng khuyết hồn mơ trăng tròn

Rõ ràng, đằm thấm, sắc son

Bóng xưa thoáng hiện sườn non hình về

(Bên vầng trăng khuyết)

Thi sĩ Hàn Thiên Lương với những giòng thơ về Mẹ như sau:

Mẹ là hình ảnh nước non

Mẹ là gấm vóc cội nguồn thủy chung

Chúng con xin nguyện kiên trung

Thương nhà nhớ nước cho lòng mẹ yên

Mạc Phương Đình với “Lời ru của mẹ” góp vào văn thơ lục bát hải ngoại thấm đậm bát ngát linh hồn cố quận - bóng mẹ xa xăm

Mải mê biển rộng sông dài

Con đi giữ nước áo phai bụi đường

Lời ru tình tự quê hương

Ngợi ca quốc sử anh hùng tiền nhân

Lời ru mẹ đã bao lần

Giục con tiến bước trước ngàn chông gai…

Nhà thơ Phương Triều với những giòng lục bát mang hơi hướng thơ Nam bộ với bài Không vui

… Có trăng cũng chẳng dư đèn

Có vơi đi cũng còn chen chúc đầy

Trời xanh đâu đã hết mây

Cùng em tái ngộ sum vầy lại không!

Thơ lục bát của lưu dân hải ngoại dù ở phương trời nào cũng có cái chất. Nói theo Nguyễn Mạnh Côn là đem tâm tình viết lịch sử… ít nhiều về nỗi tha hương nhớ về cố quốc, về gia đình. Trong hoài vọng tuôn chảy bằng vần điệu tự nhiên dễ viết, dễ nói, dễ đi vào lòng người khát vọng, hoài bão, ý chí và nỗi căm hờn, u uất trong cảnh buồn ở tận gốc bể chân trời Âu - Mỹ xa xăm ấy!

Họ viết những giòng thơ ký ức trong một khí hậu thơ khác khí hậu nước non và quê nhà, một không gian khác, xa lạ và băng giá, cô đơn tuyệt đỉnh chất ngất trên… nỗi u tình của tiền đồ đất nước đang trầm luân, chìm đắm trong móng vuốt bạo tàn… Rất khác với các giòng thơ của một thế hệ mới, số người trước 75 từ độ 60, 70 tuổi trở lên, gần như một tinh thần, một tâm tư như nhau dù tiếng thơ có hay có yếu một chút, cùng nói lên tình yêu quê hương và đấu tranh cho tự do dân tộc. Thơ lục bát càng chảy nhiều, càng có nhiều thi nhân viết và in ở hải ngoại tiếc rằng các thi phẩm của họ khó phổ biến trong nước nên giòng thơ hải ngoại số đông người trong nước không biết đến, mặc dầu thơ lục bát góp vào dòng văn học hải ngoại không phải là hiếm. Nơi nào có người Việt thì có thơ Việt, nhất là thơ lục bát đã tràn như suối nguồn tuôn dội khắp bến bờ, khắp cùng thế giới chứ không riêng gì ở Pháp hay Mỹ mà thôi. Nhất là gần đây các thi phẩm của lớp bạn trẻ, nói chung là thơ Việt ở Úc… đã có tuyển tập trên ngàn trang mà chúng ta sẽ bàn đến sau. Nhắc lại, lớp người trên 60 làm thơ lục bát đủ mọi giới. Vì thế mà tiếng thơ thật phong phú vô cùng, linh hồn thơ Việt, thơ lục bát đã xây dựng lại tất cả qua bao nhiêu đổ vỡ vì đấu tranh ý thức hệ. Lịch sử còn đó, thơ lục bát vẫn còn những giòng thơ đầy nhiệt tình với quê hương dân tộc. Trong cuộc đấu tranh mới không chỉ có súng bom mà thơ có một vai trò lịch sử đầy vinh dự, tự hào của nó: Đấu tranh văn hóa, kiến tạo tinh thần hiện đại, văn minh tự do nhân quyền để cùng mọi người kiến quốc, có đủ phẩm chất nhân bản hơn, có tình nghĩa cao thượng hơn.

Thơ lục bát hải ngoại, từ nghệ thuật đến tinh thần có một số thi gia lớn xây dựng nhân sinh quan, thế giới quan mới lạ như một Viên Linh với Thủy Mộ Quan, một Tô Thùy Yên với các vần thơ lục bát tân kỳ mà chúng tôi được đọc, rất hiếm! Trong đó có thêm Bùi Ngọc Tuấn đã dầy dạn phong ba, phong phú nhiều chất liệu mới. Một Nguyễn Khắc Nhân, Nguyễn Vũ Đan Vy và Nguyễn Thùy rất có chiều sâu và âm vang mới lạ cũng như thơ của Huệ Thu thăm thẳm u buồn:

Dường đi - một bước - dặm dài

Quê hương - nhìn lại - xa ngoài chân mây!

Ngày xưa, thơ lục bát đã sớm chứa khắc khoải, ưu tư, buồn bã về thời tiết nắng mưa của con người Việt, nhất là của nhà nông

Trông trời trông đất trông mây

Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm

Cho đến những giòng lục bát Bùi Giáng về cái buồn của quê hương Nam bộ:

Miệt mài Mỹ Tho, Cần Thơ

Hà Tiên, Châu Đốc bây giờ lụt trôi

Hay của T.T.K:

Sáu mươi năm lại một lần

Lụt trôi hằng vạn xác nằm bãi sông

Quê hương thưa nhạt sắc hồng

Ráng chiều in đỏ trăm vùng máu xương

Cho đến cái buồn của Ngọc Hân Công Chúa khóc người anh hùng áo vải Quang Trung:

Mà nay áo vải cờ đào

Giúp dân dựng nước xiết bao công trình…

Khí hậu thiên nhiên, nước non cảnh vật cho đến anh hùng lịch sử, lục bát vẫn hiện một màu sắc quê hương buồn dằng dặc đó cũng là nét đặc trưng huyền nhiệm của một loại thơ Việt, một thứ tinh thần và sắc thái linh hồn Việt dù nó xuất hiện ở chân trời nào. Một thể điệu trầm hùng ngân dài suốt giòng sứ mệnh của dân tộc.

Có điều đáng nói nữa, các loại thơ xuôi, tự do hoặc niêm luật khác đều có thể phổ biến lan rộng ở các nước như thơ Hài cú, thơ Tanka, thơ 5 chữ - ngũ ngôn, thất ngôn, thơ 7 chữ, 8 chữ… của Âu châu, của Tàu. Các nhà thơ trên thế giới đều xử dụng dễ dàng để miêu tả sự vật, để phát lộ ẩn tình riêng nhưng lục bát thì hầu như rất đặc trưng là tiếng thơ duy nhất, một loại thơ chỉ có người Việt, tiếng Việt mới nói và viết lên được dễ dàng. Nó rất cực đoan như tinh thần quốc gia Việt không hòa nhập với ai, là người ngoại quốc muốn xử dụng nó. Chúng ta cứ nhìn xem, cả tiếng thơ trên thế giới, chẳng có nơi nào làm được thơ lục bát cả trong khi họ làm được rất nhiều các loại thơ khác. Bản chất cứng cỏi của lục bát Việt Nam như tinh thần Việt Nam cũng rất kiên cường, đặc thù riêng của một bờ cõi Việt mà thôi vậy. Nó như một người phụ nữ đẹp Việt Nam, không hề chịu làm thê thiếp cho người ngoại quốc vậy. Lục bát là Quốc thi của dân tộc Việt Nam, đặc thù của giống nòi Việt, người Việt mới sở hữu được nó cho nên nói thơ lục bát là bản sắc riêng của ngôn từ Việt tộc, là tinh thể của nghệ thuật thi ca Việt Nam, chỉ có người Việt mới xử dụng đến mức toàn bích tuyệt đỉnh của tiếng thơ mà thôi. Lục bát cũng là loại thơ sở trường của dân tộc Việt Nam vậy.

Thơ lục bát có vô số các thể loại như đi vào diễn dịch lịch sử Đại Nam Quốc Sử như

Bà Trưng quê ở Phong Châu…

Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…

Đi vào ca dao, tục ngữ, kể truyện như Chàng Nhái Kiểng Tiên, Bích Câu Kỳ Ngộ, Trê Cóc, Ông Trượng Tiên Bửu hay nôm na cổ tích như

Thằng bờm có cái quạt mo

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu…

Hay ca dao đến Nguyễn Bính hay Bàng Bá Lân:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

Cho đến giới thượng lưu quí tộc, thơ cầu kỳ, bác học như Nguyễn Du, Ôn Như Hầu, Ngọc Hân Công Chúa với Tương Phố khóc chồng.

Càng nâng cao tư tưởng đến các nhà hiền triết, tiên tri, đạo giáo như dịch Sấm Trạng Trình, Sấm giảng thi văn, các loại kinh Phật, thần thi, các loại thơ hoạt kê, phong thi, hài hước, châm biếm… đều xử dụng lục bát trôi chảy cả.

Sau này lục bát đến độ lộng lẫy, tân kỳ, thời đại… như Nguyễn Đức Sơn, Viên Linh, Hoàng Trúc Ly, Trần Dạ Từ, Hoài Khanh, Bùi Giáng… Tất cả ca ngâm vịnh hát hò vè… đều dùng thơ lục bát.

Đó là tinh - khí - thần của người Việt Nam, huyết lệ máu xương của người Việt đều ẩn tàng từ đôi giòng thơ lục bát nọ, nói như danh từ của cụ Lý Đông A, đó là Huyết hoa của dân tộc Đại Việt ta vậy.

Sự phối hợp nhịp nhàng của thơ 5 chữ và thơ lục bát - như bài thơ Nhà tôi của Yên Thao dưới đây:

Anh rót cho khéo nhé

Kẻo chạm nhầm nhà tôi

Nhà tôi ở cuối thôn đoài

Có giàn thiên lý có người tôi thương

Hay trong bài Đường sang khu chiến của Phạm Giật Đức:

Ai về qua Bần Thứa

Ai về qua huyện Văn Giang

Rẽ vào thăm xứ Lực

Xem anh du kích đốt làng

Phất phơ cờ máu tàn hoang chùa chiền

Hay toàn thể là thơ lục bát, cuối cùng lại rớt xuống một câu 3 chữ - trong bài “Một thế kỷ mấy vần thơ” của Truy Phong:

Tàu anh rời bến Việt Nam

Hãy xuôi một nẻo một đường mà đi

Xin tàu đừng ghé Bắc phi

Sóng to gió lớn ắt gì đến nơi

Đừng oan trái nữa tàu ơi

Hãy xuôi về Bắc cho người hát ca

- ô rờ voa!

Với chữ ô rờ voa này, xuýt chút nữa nhà thơ Truy Phong đã bị mấy anh mới lãnh đạo huyện bắt bỏ tù vì cho ông là dùng tiếng Pháp, tức là Việt gian bán nước trong những ngày sau 30/4/75 nhưng bây giờ sau khi Kiên Giang Hà Huy Hà dẫn một số văn nghệ sĩ của Hội nhà văn Thành Phố xuống yểm trợ nên Truy Phong mới được giải tỏa, và coi là nhà thơ chống giặc!! Khôi hài nữa là trước khi ông chết, chúng lại còn quay phim ca ngợi, ban giấy khen cũng như Bùi Giáng được Hội văn nghệ truy điệu coi như là người của chúng. Cho nên nghe nói cụ Nguyễn Hiến Lê lúc gần chết dặn gia đình im lặng, đem chôn ngay! Đến cái xác cũng còn lợi dụng được thì mưu đồ gì mà chịu bỏ qua!

Thơ lục bát phối hợp với thơ 7 chữ như Song thất lục bát, nhịp nhàng tiết điệu thanh âm, gợi lên giòng nhạc trong thi ngữ rất được các cụ xưa viết thành các khúc ngâm trường thiên như Cung oán ngâm khúc

Trải vách quế gió vàng hiu hắt

Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng

Oán chi những khách tiêu phòng

Mà xui phận bạc nằm trong má đào

Hay như Đoàn Thị Điểm dịch thơ Đặng Trần Côn trong Chinh phụ ngâm:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

Xanh kia thăm thẳm từng trên

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này

Trong khi thơ lục bát không xuất hiện ở các nước khác thì tại Việt Nam thơ lục bát lại dễ dàng hòa nhập với tất cả các dòng thơ khác còn gọi là lục bát biến thể qua thi ngữ Việt để làm tăng thêm, phong phú tiết nhịp thơ hơn cho nền thơ Việt xưa nay. Nó đa hình đa dạng, biến hóa không ngừng và dễ dàng lên tiếng nghệ thuật song song với tình người trên mọi nẻo đường đời, trong mọi cung cách sống, trong mọi lúc, mọi thời đại. Nó cũng tiến hóa cùng với lịch sử xã hội Việt Nam, nhất là ta đọc các vần thơ lục bát của người Việt ở hải ngoại từ Mai Thảo, Tô Thùy Yên đến Viên Linh Thủy Mộ Quan có cái khí hậu thơ khác hẳn các vần lục bát trước 75 - cũng như rất nhiều nhà thơ khác đã nổi tiếng như Huy Trâm, Tạ Ký (chết ở Việt Nam), Bùi Ngọc Tuấn…

Đây chỉ là nét phác họa gợi ý cho một quyển sách viết về thơ lục bát Việt Nam mà thôi. Đôi khi lại ghi qua ký ức vì người viết không hề có tư liệu gì trong tay cả. Thơ lục bát hải ngoại còn nhiều như của Thích Nhất Hạnh, Dzạ Chi, Diên Nghị, Song Nhị, Phan Bá Thụy Dương, …

Trong nước thì các nhà thơ có tác phẩm xuất bản khá nhiều - nổi tiếng nhất là sau 75 như Từ Hoài Tấn với Hành tinh phiêu lạc, Phong Sơn trong Lễ hội đăng quang tình yêu, anh từng là Tổng thư ký của Hội nhà văn Thành phố nhưng đặc biệt có nhiều thiện cảm với văn nghệ tự do hơn. Các vần thơ đẹp của Cao Quảng Văn, Lý Minh, Tường Linh, Từ Xuân Lãnh, Từ Hoài Tấn. Lạc đường thế kỷ còn có Trụ Vũ, nhà thơ Phật giáo. Và vô số nhà thơ, tiếng thơ lục bát mới của các chàng trai Việt có phong cách mới vững vàng như Bùi Chí Vinh, như Huy Tưởng, nhất là Nguyễn Tôn Nhan với lục bát ba câu… đảo lộn thi ngữ, hoán chuyển tư duy vô cùng hàm xúc. Người của trước 75 có Trần Áng Sơn, cụ Lam Giang Nguyễn Quang Trứ (sư phụ của Bùi Giáng), Hoài Khanh, Kim Tuấn (mới mất) làm các điệu lý bằng thơ lục bát rất mới.

Thế giới thơ lục bát bao la, các vì sao sáng của thơ lục bát cũng trùng trùng, điệp điệp cả Nam cả Bắc - ở đâu có người Việt thì có thi sĩ làm thơ lục bát, làm sao kể hết nhớ hết và nhất là biết hết cho nổi! Thật phong phú vô cùng vô tận. Những người nước ngoài, các nhà nghiên cứu Văn hóa Việt văn học nghệ thuật Việt Nam mà không biết đến thơ lục bát thì chưa biết được gì hết về tinh thần trí tuệ và tâm hồn dân tộc Việt. Thơ lục bát cũng có lúc thăng trầm như tổ quốc Việt nhưng với bản chất Hòa bình, nhân hậu giòng thơ lục bát Việt Nam là một sứ giả hòa bình đến với mọi dân tộc yêu chuộng tự do và hòa bình trên thế giới vậy.



Trần Tuấn Kiệt