Sunday 24 October 2010

HAC THANH HOA

THẾ GIỚI THI CA QUA THI BẢN CỦA HẠC THÀNH HOA

Trần Tuấn Kiệt

Sau 75, biến cố lớn lao của lịch sử, nhiều người đã ra đi, nhất là một số văn nghệ sĩ miền Nam. Có một số nhà văn, nhà thơ dường như không quan tâm đến chuyện đi là quan trọng, nhất là thi sĩ, đồi với họ, chỗ nào cũng là Đất nhân gian, chỗ nào cũng là quê hương, cũng là cố hương. Không để ý đến vấn đề thay đổi lịch sử nhiều, và cũng không để nặng vấn đề mới hay cũ trong họ. Mặc dù cuộc đổi thay đầy thảm họa và đầy máu xương đến họ và gia đình mình, những người giông giống như tinh thần Nguyễn Du đó ở lại như Bùi Giáng, như Hoài Khanh và như Hạc Thành Hoa:
Vô ngôn độc đồi đình tiền trúc
Sương tuyết tiêu thời hợp hóa long
Nguyễn Du
Cụ ngồi chờ đợi sương tuyết tiêu thời… Còn Hạc Thành Hoa thì cứ tự nhiên tự tại trước hàng hiên của mình như bài thơ tuyệt bút với những câu:
Dù cho đi khắp trăm miền
Cũng về nằm dưới hàng hiên ngắm trời
Cái hàng hiên đó thiết thân với nhà thơ đã đành, mà còn là cảnh vật vừa tự nhiên lại vừa bất tử.
Tôi còn nhớ thời trẻ, tôi chui vào rạp Long Thuận, loại rạp bụi đời ở chợ Saigon để coi phim cao bồi Mỹ đánh đấm la hét chơi… Không ngờ gặp một truyện phim của Anh quốc thật lạ… về đôi người tình. Trong truyện hai người đứng trên một chiếc cầu bắc qua dòng sông nhỏ, nước thau thau chảy bất tận.
Hai người cùng im lặng nhìn dòng sông, họ không than như Khổng phu tử: Thệ giã như tư phù bất xã trú dạ. Than ôi dòng nước chảy mãi như thế này ru! Mà người thanh niên nói với bạn tình: Chúng ta thì sẽ tan mất, còn vạn vật thì bất tử, nó bất tử như khoảng trời trước hiên của Hạc Thành Hoa
Ngày mai tôi vĩnh biệt đời
Vẫn còn lại… một khoảng trời trước hiên.
Quan điểm về thời gian, về bất tử tính, về tồn thể đã đưa tư tưởng nhân loại ra nhiều chiều kich tư tưởng khác nhau. Thi nhân xưa nay cũng vậy. Khoảng trời trước hiên, hay dấu chân kỷ niệm hay một không gian hiện ra trong tinh thần lãng mạn của nhà thơ thật phong nhiêu huyền bí vô tận.
Thơ Hạc Thành Hoa có một không khí trang nghiêm, có chiều sâu của tâm hồn đạt đến cõi thâm sâu về cái lý nhiệm màu của cuộc tồn sinh. Anh viết từ trước năm 1975, tác phẩm được các nhà xuất bản có uy tín in và được nhiều sự quý mến của bạn đọc, sự trân trọng của anh em văn nghệ đương thời.
Về thơ lục bát, đó là loại quốc thi cua VN mà trên thế giới khó có loại nào đạt tới như thế
Hạc Thành Hoa vẫn làm thơ lục bát, vẫn ngồi trước hàng hiên của mình để làm thơ, cái hàng hiên hay cái hành lang đó được Hạc Thành Hoa ghi nhận :
Lần đi dành lệ về nhà
Hành lang hay dãy bình sa cuộc đời
Lần tay tìm vết luân hồi
Thấy mình tựa lá bay ngoài phố đêm
Khiến tôi liên nghĩ đến mấy câu thơ tiền chiến của Lưu Trọng Lư
Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau
Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau
Riêng nghĩ mình là chiếc lá bay ngoài phố đêm thì đìu hiu đơn độc thật. Tâm hồn Hạc Thành Hoa như thế đó. Thơ anh toàn các cảnh u hoài khá buồn, khá cô đơn. Dù người ta nói cô đơn của thiên tài : Cô đơn đỉnh núí gần trời. Thơ Mặc Tưởng, hay cô đơn của Huy Cận : Hồn đơn chiếc như đảo rời dặm biên. Suốt một đời như núi đứng riêng tây. Cô đơn là một hình tượng của con người cao vời vợi trong niềm kiêu hãnh vô song.
Thơ anh, một loại bài đượm vẻ u hoài mênh mông đó. Ta thử đọc qua các tựa thì biết như : Lặng lẽ, Lạc loài, Tiếc thầm, Không đề, Những nốt nhạc buồn, Dự cảm lúc chia ly, Bến sương mù, Nỗi buồn vàng… Đó là cái buồn của một Omar Khayyam, của một Lý Bạch : Lai như phong hề. Thệ như phi. Bất tri hà xứ hề. Hà sở chung. Cái kiếp người Đến như gió thoảng, đi như mây bay, không biết ở phương nào đến, không biết đi về đâu. Như thế quả nhiên là nó như chiếc lá ngoài trời đêm, nó cũng chẳng luân hồi muôn kiếp như quan niệm của Phật gia nữa, nó rất gần với Bùi Giáng. Đạt đến cõi bờ kỳ ảo giữa mộng và thực chỉ có Trang Chu, rồi đến thơ Hạc Thành Hoa. Ta hãy đọc bài Bến sương mù :
Chỉ có sương là sương thế thôi
Bến xa như lẫn với mây trời
Phà đưa ta trở về bên ấy
Một bóng trăng chìm giữa nước trôi
Đúng là một nhà thơ lạ ẩn mình trên bến Cửu Long Giang, hay một cánh chim dừng cánh giang hồ ở quê hương Cao lãnh bây giờ. Người làm thơ, nếu không có chân tình, không có tinh thần lãng mạn thì thơ sẽ khô khan và giới hạn ở trong các ý niệm, các công thức, nhất là các loại thơ có tính cách chiến đấu, dù chiến đấu cho mục đích nào đi nữa. Cả đến khi thơ viết theo phong trào siêu thực, siêu hinh cổ điển và lối mà lớp trẻ đang hào hứng cho là tân kỳ, nhưng cũng bắt đầu hiện ra các ngôn từ gò bó dù gò ép theo ý hướng mới, như Tân hình thức chẳng hạn. Có là sự khuôn sáo, rỗng và khô khốc như Dadaisme ngày xưa không hơn không kém. Ta thấy trong hội họa, điện ảnh mới cũng hiện ra rất nhiều kiểu của học trò Picasso, các hình thể kỷ hà học, các ngang dọc vô tội vạ như điện tử, như hình học không gian, đượm một ít triết lý khoa học, không gian ba chiều của Albert Einstein chẳng hạn.
Thơ cũng không cần âm nhạc phù trợ khi ta thấy các « đại thi sĩ » cứ đi tìm phổ nhạc cho bằng được rồi mướn ca sĩ hò hét lên các thi bản, nhạc phẩm đó của họ.
Đời xưa các cụ thơ Trung quốc, các cụ làm thơ Việt cứ hô hào « Thi trung hữu họa » rồi đi lắp ghép các tranh cảnh bên ngoài, cố sao cho có đường nét hội họa hiện ra trong thơ. Tất cả chỉ là sự khuôn sáo. Thơ tự nó có đủ rồi cần gì đến tranh vẽ dàn ra trong đó.
Ta rất mừng vì một cố thi sĩ biết tự trọng và cả tự hào về thơ và không để những vết hoen ố cho thơ mình khi dính dáng đến họa và nhạc quá « cầu kỳ và khẩn thiết » đến như vậy.
Cho nên thi sĩ thực tài, xuất bản tác phẩm một cách tự tin tự nhiên như thế. Tất nhiên, không nóí đến tình bằng hữu sự cảm thông mà trong thơ có in nhạc và họa của các văn nghệ sĩ chung. Vài nét phác thảo hay phụ bản, và tranh bìa thi bản đã là quá đủ rồi.
Có những tập thơ làm thay đổi nghệ thuật, tư tưởng đương thời hiện đại như thơ Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Viên Linh…
Thế giới quan nếu chúng ta cần đến bàn về một thế giới quan của nghệ thuật hiện đại. Thật sự trong ngôn từ nay đã lộ ra khuôn sáo rồi còn gì.
Có một cụ già làm thơ Đường, thơ cụ không tài hoa như người khac nhưng cụ rất trọng thơ. Cụ không thích ngồi ngoài đường làm thơ nói thơ như thằng tôi. Cụ tiếp đãi tôi có trà rượu trân trọng và nói thơ cũng hết sức trân trọng trong quán nước có cây có cảnh hay trong nhà cụ có sẵn mọi tiện nghi. Điều này thằng tôi rất ngại, mất hứng bụi bặm của mình. Nhưng tôi học được ở cụ một cung cách thật quý trọng về sống với thơ và về lời phẩm bình về những vần thơ tuyệt bút
Cụ bảo : Thơ đó, thuộc về thơ Bề Trên ! không phải loại thơ trung lưu, hạ lưu gì cả. Tôi rất đắc hứng về lời nóí của cụ. Thơ của Bề Trên ! Trên Trời hay thượng giới nào đó chứ không phải của phàm phu tục tử ! Quả nhiên thú thật.
Thơ đó thí dụ như Nguyễn Du viết :
Vô ngôn độc đối đình tiền trúc
Sương tuyết tiêu thời hợp hóa long
hay Khổng Minh với :
Đại mộng thùy tiên giác
Bình sinh ngã tự tri
Thảo đường Xuân Thụy Túc
Song ngoại nhật trì trì
Và với Hạc Thành Hoa, đong đưa chiếc võng thời gian như Tagore nằm ngoài hàng hiên nọ đó thôi.

Trần Tuấn Kiệt

Thơ Hạc Thành Hoa
LẠC LOÀI
Niềm đau không đón được buồn
Đàn khuya thiếu nốt dìu hồn xót xa
Lần đi dành lệ về nhà
Hành lang hay dãy bình sa cuộc đời
Lần tay tìm vết luân hồi
Thấy mình tựa lá bay ngoài phố đêm
Đèn đường soi rõ dáng em
Trở về mới biết mình thèm yêu đương

BỤI VÀNG
Đã bao chiều đứng bên sông
Nước trôi vô tận một dòng mang mang
Bên kia gío cuốn bụi vàng
Mình ta với bóng chiều tàn trên cao.

THỨC
Đêm nay phố đợi giao thừa
Cành mai cũng thức đợi giờ ra hoa
Và em cũng thức trong ta
Chút gì lãnh đãng như là sương bay
Còn ta cũng thức đêm nay
Ngồi nghe pháo nổ mà ngây ngất buồn.

BẾN SƯƠNG MÙ
Chỉ có sương và sương thế thôi
Bến xa như lẫn với mây trời,
Phà đưa ta trở về bên ấy
Một bóng trăng chìm giữ nước trôi.

No comments:

Post a Comment